Vietcombank đã chốt quyền chia cổ tức vào ngày 29/9 và dự kiến thanh toán vào ngày 16/10/2017 với tỷ lệ 8% bằng tiền mặt. Hơn 3.597,8 triệu cổ phiếu lưu hành, Vietcombank sẽ chi khoảng 2.878 tỷ đồng để trả cổ tức.
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước trội hơn
Vietcombank đã chốt quyền chia cổ tức vào ngày 29/9 và dự kiến thanh toán vào ngày 16/10/2017 với tỷ lệ 8% bằng tiền mặt. Hơn 3.597,8 triệu cổ phiếu lưu hành, Vietcombank sẽ chi khoảng 2.878 tỷ đồng để trả cổ tức. Trước đó, trong tháng 8/2017, BIDV cũng đã chi 2.393 tỷ đồng để chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 7% cho các cổ đông. Một ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước khác là Vietinbank cũng dự kiến chi trả cổ tức cho cổ đông vào ngày 17/10 cũng theo tỷ lệ 7% bằng tiền mặt.
Như vậy, cho đến thời điểm này, ba NHTM nhà nước đã sắp hoàn thành nghĩa vụ chi trả cổ tức năm 2016 cho cổ đông. Còn nhớ vào cuối năm 2016, những tranh luận gay gắt giữa ban lãnh đạo BIDV và Vietinbank với cổ đông lớn nhất của hai ngân hàng này là Bộ Tài chính về việc chia hay không chia cổ tức bằng tiền mặt đã thu hút sự chú ý của dư luận. Sau cùng thì phần thắng đã nghiêng về Bộ Tài chính và do đó các ngân hàng này đã phải chia cổ tức bằng tiền mặt.
Trong bối cảnh các NHTM cổ phần khác không chia cổ tức hoặc chỉ chia bằng cổ phiếu với tỷ lệ khiêm tốn, thì chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt vừa qua của nhóm ba NHTM nhà nước là khá hấp dẫn đối với giới cổ đông. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho việc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn của các ngân hàng này trở nên khó khăn hơn, nhất là khi hệ số CAR đã giảm trong thời gian qua và ngày càng gần mức quy định 9%. Dù vậy, trong bối cảnh ngân sách đang chịu nhiều áp lực thì việc chia cổ tức đã giúp cho ngân sách nhà nước có thêm nguồn thu gần 6.100 tỷ đồng.
Theo thống kê gần nhất của Ngân hàng Nhà nước thì hệ số CAR của nhóm NHTM nhà nước đến tháng 6/2017 là 9,67%, thấp hơn nhiều so với nhóm NHTM cổ phần là 11,45% và tính chung của toàn ngành là 12,55%. Với việc chia cổ tức bằng tiền mặt từ lợi nhuận giữ lại thì hệ số CAR của nhóm này có thể tiếp tục giảm xuống là điều tất yếu. Với việc hệ số CAR ở mức thấp và cũng chưa thể tăng vốn tự có được như mong đợi thì nhóm NHTM nhà nước sẽ khó có thể mở rộng kinh doanh cũng như tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Thực tế là sau khi có thông tin chia cổ tức và cho đến ngày chia cổ tức, giá cổ phiếu của những ngân hàng này vẫn không có gì khởi sắc, hay thậm chí còn chịu áp lực giảm. Như trường hợp của BIDV, sau khi có thông tin cho đến ngày chia cổ tức thì giá cổ phiếu giảm gần 5%, Vietcombank và Vietinbank cũng giảm tương ứng, gần 3% và hơn 5% kể từ ngày có quyết định chia cổ tức cho đến ngày chốt quyền.
Chính sách cổ tức có thể sớm thay đổi
Chính vì những khó khăn trên, chính sách chia cổ tức của các NHTM nhà nước có thể sẽ sớm thay đổi, theo đó không ưu tiên cho việc chi trả bằng tiền mặt như đã thực hiện trong thời gian qua, nhất là khi nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ.
Theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Chính phủ về việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 – 2020 thì Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel 2.
Điều này có thể được hiểu là các NHTM nhà nước có thể có cơ hội giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ thay vì phải chi tiền mặt trả cổ tức như yêu cầu của Bộ Tài chính thời gian qua. Chẳng những vậy, các ngân hàng này có thể phát hành thêm cổ phiếu cho các nhà đầu tư hiện hữu lẫn những nhà đầu tư mới, cổ đông chiến lược để tăng thêm vốn nhanh hơn. Khi đó, nếu Nhà nước không muốn bị giảm tỷ lệ sở hữu thì phải bố trí nguồn tiền để mua qua các đợt phát hành thêm.
Hiện nay, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại BIDV là 95,28%, trong khi tại Vietcombank và Vietinbank lần lượt là 77,1% và 64,46%, do những năm qua đã bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài là Ngân hàng Mizuho và Mitsubishi của Nhật Bản. Nhà nước sẽ thoái bớt vốn tại BIDV khi nào ngân hàng này tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài phù hợp, theo đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 95,28% xuống 65%.
Tương tự, Chính phủ cũng sẽ cổ phần hóa Agribank và giảm tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này xuống 65% đến 2020. Trong khi đó, thương vụ chào bán 7,73% cổ phần Vietcombank cho Quỹ Đầu tư Quốc gia Singapore (GIC) rộ lên từ tháng 8/2016 nhưng sau đó đã bị chững lại cho đến nay.
Trước triển vọng chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt có thể thay đổi và áp lực tăng thêm vốn trong giai đoạn tới thì những nhà đầu tư theo trường phái ưa chuộng doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt có thể thấy cổ phiếu ngân hàng sẽ trở nên kém hấp dẫn.
Nguồn: Tin tổng hợp trên mạng